Văn hoá tín ngưỡng
Lễ tạ mộ cuối năm nên biết và làm như thế nào để có thể mời ông bà, thân nhân quá vãng về nhà ăn Tết
Đây là những thông tin bạn cần hiểu rõ và nắm kỹ để thực hiện đúng những nghi thức trong những buổi lễ quan trọng này, đặng cầu nguyện cho âm dương đều được lợi lạc trong một năm mới sắp đến.
Cuối năm, thời điểm bận rộn nhất trong năm với rất nhiều việc phải làm, người bận rộn lo toan công việc, người lo chăm chút, sửa sang nhà cửa nhưng dù có bận bịu tới đâu người Việt cũng phải đi tạ mộ, một phong tục truyền thống, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, hướng lòng thành về tổ tiên. Thông qua việc tạ mộ là thể hiện lòng hiếu, là một nghi thức để giáo dục cho đời sau về lòng hiếu thảo, tri ân các bậc tiền nhân.
Không chỉ thể hiện lòng hiếu thuận đối với những người thân đã khuất, phong tục này còn để con cháu cầu mong các chư vị tôn thần cai quản nghĩa trang phù hộ cho các vong linh, người thân quyến an cư nơi mộ địa và không bị ngoại quỷ vô danh có tham vọng chiếm đoạt mộ phần.
Tạ Mộ là một nghi thức để giáo dục cho đời sau về lòng hiếu thảo, tri ân các bậc tiền nhân.
Đồng thời, lễ tạ mộ còn là dịp để con cháu sửa sang sạch đẹp mộ phần, thể hiện lòng hiếu thảo và mời gia tiên “về nhà” đón Tết. Đây cũng là nét đẹp trong văn hóa của người Việt và là niềm tin vào việc để gia tiền phù hộ cho con cháu làm ăn có tài lộc vào năm mới sắp đến.
Phong tục tạ mộ thường được người Việt thực hiện vào dịp cuối năm âm lịch, trong những ngày giáp Tết khoảng từ sau lễ ông Công ông Táo (23 tháng Chạp) đến 30 Tết. Việc tạ mộ Tổ tiên chủ yếu có lễ tạ Thổ thần, đắp thêm đất lên mộ, sửa sang mộ, mời gia tiên về đón năm mới.
Theo các chuyên gia phong thuỷ và những nhà nghiên cứu văn hoá cổ truyền thì trong việc lễ tạ mộ, người dân không nên hiểu là chỉ tạ các cụ nhà mình mà còn phải hiểu đủ là tạ ơn phật thánh, quan thần linh bản địa, chư vị tôn thần… đã cho các cụ nương nhờ mảnh đất đó. Nhờ vậy, các cụ mới dễ dàng "đi đi về về" mà phù hộ cho con cháu làm ăn có tài lộc.
Tạ Mộ là niềm tin vào việc để gia tiền phù hộ cho con cháu làm ăn có tài lộc vào năm mới sắp đến.
Tạ mộ cuối năm là việc mà bất cứ gia đình người Việt nào cũng cần phải thực hiện mỗi độ xuân về, nhưng có một số lưu ý trong các bước chuẩn bị và thực hiện để đạt được kết quả tốt cho cả người sống và người đã mất đều được lợi lạc như sau:
Nên tạ mộ vào ngày nào?
Không có nhiều khắt khe trong việc chọn ngày tạ mộ. Thường nếu con cháu làm ăn xa nhà sẽ tập trung vào dịp Tết, cùng đi tạ mộ, sum họp gia đình. Nếu dòng họ tạ mộ theo tộc sẽ quy định một ngày chạp họ, để thân tộc cùng gặp mặt cuối năm tại nhà thờ họ để cúng lễ, dọn dẹp, trang hoàng… đón Tết. Thời gian thường sẽ rơi vào ngày nghỉ để mọi người trong dòng tộc có mặt đông đủ hơn. Thời gian tạ mộ cũng được chọn vào ngày từ 24 Tết đến 30 Tết âm lịch.
Việc chính khi đi tạ mộ
Trong khi các cụ già sẽ lo cúng khấn tổ tiên nơi phần mộ thì con cháu đi cùng sẽ lo dọn dẹp sạch sẽ cho phong quang, thoáng đáng mộ phần của người đã mất. Là mộ đất có thể dọn dẹp thêm nhằm giảm bớt rắn, chuột đào hang, làm tổ như: đắp lại nấm cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại, cây hoang mọc trùm lên mộ. Đắp thêm đất lên mộ, sửa sang, quét dọn cho sạng đẹp mộ tổ tiên, ông bà.
Phải kiểm tra kỹ lưỡng những vùng đấy xung quanh phần mộ, tránh để bị hở, trũng...
Đặc biệt, nếu nhận thấy phần mộ có những dấu hiệu bị thấp trũng, hở trống, vô cớ nứt nẻ, bát hương vỡ nứt... thì con cháu trong nhà cần nghĩ đến việc cải tạo sớm. Bởi theo phong thuỷ đâu là những dấu hiệu xấu động mồ mả sẽ gây ra những hậu quả như con cháu trong nhà ngỗ nghịch, gia đình gặp điều không hay, nhân khẩu bất an, sự nghiệp thất bại, gia sản hao hụt... Ngày nay thì đa số các phần mộ đã được người thân xây dựng chắc chắn nhưng không vì thế mà chủ quan mà thân nhân cần phải kiểm tra nền đất và địa hình xung quanh cho cẩn thận.
Sắm lễ tạ mộ
Theo quan điểm tâm linh của người Việt, việc tạ mộ còn là tạ thần linh thổ địa bản xứ, vì vậy dịp này gia chủ nếu có điều kiện thì có thể dâng mâm cỗ lớn ở miếu thần linh, trong đó có đĩa xôi, gà hoặc chả lụa (giò). Bên cạnh đó thì tuỳ vào tập tục địa phương cũng như điều kiện tại khu nghĩa trang mà có điều chỉnh thích ứng, nhưng tuyệt đối phải nhớ việc thực hiện nghi thức trình báo và tạ ơn chi vị thần linh tại vùng đất mà có thân nhân của mình an táng.
Với lễ tạ mộ truyền thống, gia chủ có thể sắm lễ đơn giản hơn, mang đến trước mộ phần gồm: hương, nước, hoa tươi, trầu cau, hoa quả, thuốc lá, chè, rượu trắng (kèm thêm chén đựng rượu 5 cái), nến màu đỏ và một ít vàng mã để làm lộ phí. Việc sắm lễ đơn giản cũng rất có ích, bởi không chỉ giúp gia chủ bớt được chi phí mà các cụ còn được an yên hơn vì lễ lớn chưa chắc đã được hưởng mà các vong linh xung quanh còn có thể tới quấy nhiễu.
Luôn nhớ phải chuẩn bị đủ phần lễ để dâng cúng Thần linh tại trú xứ.
Văn khấn tạ mộ
Về phần văn khấn, lễ tạ mộ có khá nhiều bài văn khấn dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Nếu không hiểu kỹ về "tâm khấn", tất nhiên lời khấn sẽ chẳng mấy linh nghiệm. Mọi người có thể sử dụng bài khấn được hướng dẫn trong nghi thức cúng lễ này:
- Văn khấn tạ ơn thần linh khu vực nghĩa trang
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Con kính lạy:
- Ngài Kim niên Đương cai Thái tuế Chí đức Tôn thần, Kim niên hành binh, Công tào phán quan,
- Ngài bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại vương,
- Ngài bản xứ thổ địa, thần linh,
- Các ngài Ngũ phương, Long mạch Tôn thần, Tiền thần Chu Tước, Hậu thần Huyền Vũ, Tả thần Thanh Long, Hữu thần Bạch Hổ
- Liệt vị Tôn thần cai quản ở xứ này.
Hôm nay là ngày… tháng… năm… , nhằm tiết cuối năm
Chúng con là:……………
Thành tâm sắm sanh phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo Chư vị Tôn Thần, cù lao tiên tổ về việc lễ tạ mộ phần.
Nguyên có vong linh thân nhân của gia đình chúng con là:………. hiện phần mộ an táng ở nơi này. Đội ơn Chư vị Tôn thần che chở, ban ân, vong linh được yên ổn vui tươi nơi chín suối. Lại nhờ có duyên lành, gia đình chúng con được vong linh thường về ghé thăm, linh ứng giúp chỉ dẫn các công các việc được đầu xuôi đuôi lọt, nhờ thế toàn gia được an ninh khang thái, từng bước tiến bộ. Nay nhằm ngày lành tháng tốt, gia đình chúng con sắm sửa lễ tạ mộ những mong báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính.
Cúi xin Chư vị Tôn Thần lai giáng án tiền, nhận hưởng lễ vật, chứng minh tâm đức cho phép thân nhân quá vãng của chúng con được về với gia đình đón mừng năm mới, để cho cháu con được phụng sự trong tiết xuân thiên, báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính.
Cúi xin Tôn thần, Phủ thùy doãn hứa.
Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Phục duy cẩn cáo!
Lễ Tạ mộ phải thực hiện thành tâm và chu đáo thì mới có thể mời tổ tiên về nhà đón Tết.
- Văn khấn mời tổ tiên về nhà ngày Tết
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Con kính lạy:
Con kính lạy vong linh ………., cùng tổ khảo, tổ tỷ, cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, bá thúc huynh đệ, cô di tỷ muội và các hương linh họ.....
Hôm nay là ngày… tháng … nhằm tiết cuối năm Mậu Tuất.
Chúng con là:……………
Thành tâm sắm sanh phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo cù lao tiên tổ về việc lễ tạ mộ phần. Nay nhất tiết xuân về, chúng con đã làm lễ xin phép chư vị tôn thần cai quản vùng đất này để thực hiện việc sửa sang phần mộ đã xong và cung đón tổ tiên về với gia đình đón mừng năm mới, để cho cháu con được phụng sự trong tiết xuân thiên, báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính.
Âm dương cách trở. Bát nước nén hương
Thành tâm kính lễ. Cúi xin chứng giám
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Sau khi thực hiện các nghi thức cúng lễ, hoá mã là hoàn tất công việc tạ mộ cuối năm.
Trên đây là ý nghĩa và những điều cần làm trong lễ tạ mộ cuối năm - một phong tục tốt đẹp của người dân Việt Nam. Bên cạnh đó còn có 10 điều tuyệt đối không được phạm phải khi đi tạ mộ cuối năm mà ai cũng phải ghi nhớ. Bạn hãy hiểu rõ và nắm kỹ những việc cần làm để thực hiện đúng những nghi thức trong những buổi lễ quan trọng này, đặng cầu nguyện cho âm dương đều được lợi lạc trong một năm mới sắp đến.