Văn hoá tín ngưỡng
Lễ Vu Lan có nguồn gốc từ đâu và vì sao lại cài bông hồng trong ngày Báo hiếu?
Bạn biết đến ngày Vu Lan, bạn đã từng cài bông hoa lên ngực áo, nhưng bạn có biết ý nghĩa của việc báo hiếu thông qua việc này không?
Lễ Vu Lan là một lễ quan trọng của Phật Giáo được tổ chức vào ngày rằm tháng 7. Trong buổi lễ này, mọi người đến chùa sẽ cài trên ngực mình một bông hoa màu hồng hoặc một bông hoa màu trắng với ý nghĩa Hiếu hạnh cao đẹp.
1. Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Vu Lan
Lễ Vu Lan là một trong những lễ quan trọng nhất của các tín đồ Phật Giáo, sau khi được du nhập vào Việt Nam đã hoà cùng truyền thống tâm linh của người Việt mà trở thành một ngày lễ của tất cả những người con hiếu hạnh.
Vu Lan hay Vu Lan bồn có nguồn gốc từ chữ phạn Ullambana, dịch sang tiếng Hán ngữ là Giải đảo huyền, tức là gỡ khỏi nạn treo ngược. Ngày lễ Vu Lan được bắt nguồn câu chuyện cứu mẹ của ngài Mục Kiều Liên - một vị đệ tử thần thông nhất của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Sau khi đã chứng quả A La Hán, ngài tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng thần thông để tìm. Thấy mẹ vì gây nhiều nghiệp ác nên rơi vào ngục A Tỳ làm quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở.
Ngài Mục Liên dùng thần lực xuống địa ngục dâng cơm cho mẹ nhưng bà không thể ăn được.
Quá thương cảm, xót xa Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng trong 3 tháng an cư kiết hạ (ở một nơi để tu tập). Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cầu nguyện, mời chư tăng thọ thực. Trước khi thọ thực, các vị này sẽ chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ được siêu thoát". Ngài Mục Liên làm đúng như lời Phật dạy và nhờ thần lực chú nguyện của Thập phương chư Tăng mà vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, được sanh về cảnh giới lành.
Nhờ sự chú nguyện của mười phương chư Tăng mà vong mẫu của ông thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.
Từ đó, người dân thường tổ chức lễ cầu siêu cho người thân đã khuất vào ngày này, thực hiện các việc ăn chay, cầu nguyện, cúng dường để hồi hướng cho cha mẹ hiện tiền và bảy đời phụ mẫu đã quá vãng, cũng như tổ tiên được thoát khỏi cảnh tội đồ đồng thời cầu nguyện cho chúng sinh được siêu thoát, khỏi vòng sinh tử luân hồi.
Như vậy, ý nghĩa thực sự và giản dị của tích Mục Kiền Liên cứu mẹ và Vu Lan chính là lời dạy của Đức Phật dành cho các đệ tử của mình về sự Báo hiếu cha mẹ. Với ý nghĩa cao đẹp đó, Vu Lan đã trở thành một lời nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những thế hệ người đi trước. Đây thực sự là một ngày Lễ đẹp, giàu ý nghĩa, phù hợp với truyền thống đạo lý, văn hóa ngàn đời của người Việt Nam!
2. Nguồn gốc nghi thức Bông hồng cài áo
Trong ngày Lễ Vu Lan được tổ chức tại các chùa trên khắp đất nước Việt Nam cũng như nơi có người Việt sinh sống trên thế giới đều có một nghi thức đặc biệt đó là cài Bông hồng lên ngực trái của mỗi người.
Bông hồng cài áo - một nghi thức của những người con hiếu hạnh.
Nghi thức Bông hồng cài áo xuất phát từ áng thơ viết về Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - một vị tăng nổi tiếng của Phật giáo Việt Nam. Trong một chuyến công tác tại đất nước Nhật Bản, ông cùng một vị đồng tu tham dự một buổi lễ "Ngày của mẹ" tại đây, có một cô sinh viên hỏi nhỏ vị thầy rồi rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của vị tu sĩ. Sau đó ông tìm hiểu và được biết rằng đó là một nghi thức tưởng nhớ: "Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng..."
Sau đó vào năm 1962, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết đoản văn "Bông hồng cài áo" và cũng vào rằm tháng 7 năm ấy, các tín đồ Phật giáo Sài Gòn đã họp nhau lại tại chùa Xá Lợi, làm Lễ Bông hồng cài áo lần đầu tiên. Một bông hoa màu hồng cho những ai còn mẹ và bông hoa màu trắng cho những ai mất mẹ, để nhắc nhở về lòng hiếu thảo và trân trọng niềm hạnh phúc nhất đời khi còn cha mẹ trên đời. Với ý nghĩa nhân văn ấy, dần dần các chùa bắt đầu tổ chức Lễ Bông hồng cài áo và trở thành nghi thức quan trọng nhất trong mỗi mùa Vu Lan.
"Một bông hồng cho em
Một bông hồng cho anh
Và một bông hồng cho những ai
Cho những ai đang còn mẹ
Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn"
Hạnh phúc thay khi chúng ta còn Mẹ trên đời.
Khi thấy bông hoa màu hồng xuất hiện trên ngực áo, đó là dấu hiệu ghi nhận niềm vui của những người con còn may mắn khi có cha mẹ trên đời. Nhưng nếu phải cài bông hoa màu trắng thì đó là một sự mất mát nhưng cũng là lời nhắc người con đừng quên công cha nghĩa mẹ biển trời. Vào ngày lễ Vu Lan, bạn có thể cài một bông hoa hồng lên ngực áo hoặc là không nhưng với ý nghĩa nhân văn sâu sắc lễ Vu Lan báo hiếu và những bông hoa màu hồng, trắng đã trở thành biểu tượng luôn được những người con trân trọng, đó là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái phải luôn nhớ đến hai đấng sinh thành.
Bông hồng trắng nhắc nhở chúng ta phải biết trân trọng Cha Mẹ và ghi nhớ công ơn sinh thành.
Và có một điều quan trọng nhất, thông qua hình ảnh bông hoa màu hồng được cài trên ngực áo, đó là lời nhắn nhủ những người con: Hãy hạnh phúc vì mình còn có cha mẹ trên đời, hãy biết điều hạnh phúc đó không có gì thay thế được... Vì thế, hãy thiết thực làm những việc tốt, hãy luôn suy nghĩ về cha mẹ mình khi làm bất cứ công việc gì, hãy luôn nhớ đến cha mẹ và thiết thực chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ tốt nhất để cha mẹ an tâm dõi theo bước chân của đứa con thương yêu.
"Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em
Thì xin anh, thì xin em
Hãy cùng tôi vui sướng đi
Hãy cùng tôi vui sướng đi"